Ngày 20.7, giá xăng dầu vẫn ở mức cao. Đóng phiên lúc rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam), dầu Brent giảm 17 cent, tương đương 0,21%, xuống mức 79,46 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 40 cent xuống mức 75,35 USD/thùng.
Theo Reuters, giá dầu đã trượt dốc vào cuối phiên, đánh mất mức tăng nhẹ trước đó trong phiên. Cả hai hợp đồng đều tăng hơn 1 USD ở phiên giao dịch trước. Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết những người tham gia thị trường đã "tận dụng mức giá cao hơn và chốt lời".
Ngoài ra, hạn chế đà giảm của giá dầu hôm nay nhờ dữ liệu về dự trữ xăng, dầu của Mỹ giảm. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vừa có báo cáo về dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước. Theo đó, dự trữ dầu thô đã giảm 708.000 thùng, xuống 457,4 triệu thùng, thấp hơn so với kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích; dự trữ xăng cũng giảm 1,1 triệu thùng. Đồng USD tăng cũng góp phần đẩy giá dầu trượt dốc.
Trong khi đó, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore vẫn giữ đà tăng. Mức tăng so với giá tại kỳ điều hành trước (11.7) tương đối cao. Một lãnh đạo đầu mối xăng dầu phía nam tính toán, dựa vào dữ liệu giá nhập khẩu tính đến ngày 19.7, giá xăng nhập khẩu chênh với giá bán trong nước trên 1.000 đồng/lít, giá dầu nhập khẩu có mức chênh lệch thấp hơn, dao động từ 400 - 600 đồng/lít. Dự báo, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (21.7) có thể tăng tương đương, mức tăng này chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí thay đổi khác, nếu có.
Ngày 20.7, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến như sau: xăng E5 RON92 không quá 20.419 đồng/lít; xăng RON95 không quá 21.497 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.616 đồng/lít; dầu hỏa không quá 18.320 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.288 đồng/kg.
Thông tin từ các thương nhân phân phối, chiết khấu bán lẻ cũng tiếp tục giảm. Ngày 20.7, Petro Times thông báo chiết khấu với mặt hàng dầu 650 đồng/lít, xăng 350 đồng/lít; Petro Mekong báo chiết khấu xăng 350 - 400 đồng/lít, dầu 550 đồng/lít.
Theo báo Thanh Niên