Tiêu chuẩn thiết kế cửa hàng xăng dầu

Tiêu chuẩn này có thể áp dụng để thiết kế các trạm cấp xăng dầu trong phạm vi của cơ sở công nghiệp nhưng không áp dụng cho các cửa hàng xăng dầu trên mặt nước. Sau đây là một số nội dung về phân cấp cửa hàng

Tiêu chuẩn thiết kế cửa hàng xăng dầu

 Ông Nguyễn Hải Đăng (haidangvn2007@....) định xây dựng một cửa hàng bán lẻ xăng dầu có tổng dung tích khoảng 100m3 và muốn biết phải áp dụng theo những quy định nào, ví dụ về khoảng cách cây xăng trong thành phố, quốc lộ; về an toàn, môi trường, cháy nổ…

Thắc mắc của ông Đăng được Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp như sau:

 Ngày 21/4/2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1065/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 4530:2011 Cửa hàng xăng dầu-Yêu cầu thiết kế”. Tiêu chuẩn TCVN 4530:2011 quy định những yêu cầu cơ bản để thiết kế xây dựng mới, cải tạo và mở rộng các cửa hàng xăng dầu.

Tiêu chuẩn này có thể áp dụng để thiết kế các trạm cấp xăng dầu trong phạm vi của cơ sở công nghiệp nhưng không áp dụng cho các cửa hàng xăng dầu trên mặt nước. Sau đây là một số nội dung về phân cấp cửa hàng, vị trí mặt bằng xây dựng cửa hàng xăng dầu, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy nêu trong Tiêu chuẩn này:

 

Khi thiết kế cửa hàng xăng dầu ngoài việc áp dụng quy định của Tiêu chuẩn TCVN 4530:2011 còn phải tuân theo các quy định hiện hành có liên quan.

 Thiết kế phòng cháy chữa cháy cho cửa hàng xăng dầu phải tuân thủ theo "TCVN 2622:1995 Phòng cháy chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế" và phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt theo quy định hiện hành trước khi thi công xây dựng công trình.

 Theo Bảng 1, TCVN 4530:2011, việc phân cấp cửa hàng xăng dầu theo tổng dung tích chứa xăng dầu được quy định như sau:

 - Cửa hàng cấp 1: Tổng dung tích từ 151m3 đến 210m3;

 - Cửa hàng cấp 2: Tổng dung tích từ 101m3 đến 150m3;

 - Cửa hàng cấp 3: Tổng dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 100m3.

 

 Về vị trí mặt bằng xây dựng cửa hàng xăng dầu

 Vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải thuận tiện cho phương tiện ra vào và phù hợp với yêu cầu quy hoạch xây dựng của khu vực đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và an toàn phòng cháy chữa cháy. Trường hợp vị trí cửa hàng xăng dầu gần giao lộ phải bố trí đường ra vào khu vực cửa hàng không làm ảnh hưởng đến giao thông chung.

 Theo quy định tại Bảng 3, TCVN 4530:2011 thì khoảng cách an toàn từ cột bơm và cụm bể chứa đặt ngầm của cửa hàng cấp 3 (tổng dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 100m3) đến ranh giới các công trình xây dựng ngoài khu vực cửa hàng được quy định như sau: Nơi sản xuất có phát lửa hoặc tia lửa không nhỏ hơn 18m; Công trình công cộng không nhỏ hơn 50m; Công trình dân dụng và các công trình xây dựng khác ngoài cửa hàng bậc chịu lửa cấp I, II không nhỏ hơn 5 mét; bậc chịu lửa cấp III không nhỏ hơn 10m; bậc chịu lửa cấp VI; V không nhỏ hơn 14m.

 

Đối với các hạng mục công trình dân dụng và các công trình xây dựng khác ngoài cửa hàng (không kể nơi sản xuất có phát lửa hoặc tia lửa và công trình công cộng) có bậc chịu lửa I, II, nếu mặt tường về phía cửa hàng xăng dầu là tường ngăn cháy thì không yêu cầu khoảng cách an toàn từ hạng mục đó đến tường rào cửa hàng xăng dầu nhưng phải tuân thủ các quy định về xây dựng hiện hành.

 Về đường và bãi đỗ xe của cửa hàng xăng dầu thì chiều rộng một làn xe đi trong bãi đỗ xe không nhỏ hơn 3,5m; Đường hai làn xe đi không nhỏ hơn 6,5m; Bãi đỗ xe để xuất, nhập xăng dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường.

 Nếu cột bơm xăng dầu đặt trong nhà, phải đặt trong gian riêng biệt, có biện pháp thông gió và có cánh cửa mở quay ra ngoài.

 Ngoài ra, cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác phải có tường bao bằng vật liệu không cháy. Chiều cao của tường bao không nhỏ hơn 2,2m.

 

Yêu cầu về trang bị phòng cháy, chữa cháy

 Tại các cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy ở nơi dễ thấy, có biển cấm lửa và hiệu lệnh báo cháy,

 Các cửa hàng xăng dầu phải được trang bị đủ số lượng phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp để chữa cháy. Căn cứ vào tính chất nguy hiểm cháy của các chất, vật liệu trong từng hạng mục của cửa hàng xăng dầu để bố trí phương tiện chữa cháy phù hợp.

 Theo bảng 6, TCVN 4530:2011 thì số lượng, phương tiện chữa cháy ban đầu của cụm bể chứa cửa hàng cấp 3 được trang bị như sau: bình bột lớn hơn hoặc bằng 25 kg: 1 cái; bình bột lớn hơn hoặc bằng 4 kg: 2 cái; chăn sợi: 2 cái. Cột bơm xăng dầu và nơi nạp xăng trang bị bình bột lớn hơn hoặc bằng 4 kg: 2 cái; chăn sợi: 1 cái.

 

Việc bố  trí phương tiện dụng cụ chữa cháy phải đảm bảo: Dễ thấy; Dễ lấy sử dụng; Không cản trở lối thoát nạn, lối đi và các hoạt động khác; Tránh mưa, nắng và sự phá hủy môi trường.

 Chỉ được phép bố trí các phương tiện, dụng cụ chữa cháy đảm bảo chất lượng. Các bình chữa cháy được treo trên tường, cột hoặc đặt trên nền, sàn nhà… Trường hợp các bình chữa cháy được treo trên tường, cột thì khoảng cách từ mặt nền, sàn đến tay cầm của bình không lớn hơn 1,25m.

 Trường hợp đặt trên nền sàn nhà các bình chữa cháy phải được để nơi khô ráo và có giá đỡ chiều cao của giá đỡ không lớn hơn 2/3 chiều cao của bình. Trường hợp để bình chữa cháy gần cửa ra vào thì bình phải được treo hoặc đặt cách mép cửa 1m.

 

Trong phạm vi cửa hàng được phép bố trí phương tiện, dụng cụ chứa cháy rải rác theo từng vị trí hoặc nếu có thể bố trí theo từng cụm tùy thuộc mức độ nguy hiểm cháy, nổ và diện tích mặt bằng cần bảo vệ, nếu bố trí theo từng cụm thì phải bố trí ít nhất 2 cụm…

 Để đáp ứng yêu cầu về thiết kế cửa hàng xăng dầu, ông Nguyễn Hải Đăng cần cập nhật và áp dụng đầy đủ toàn bộ nội dung Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4530:2011 ban hành kèm theo quyết định số 1065/QĐ-BKHCN ngày 21/4/2011 của Bộ Khoa học và công nghệ. Chúc ông thành công.

                                                                                     Luật sư Trần Văn Toàn

                                                   VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

 

Quy định Nhà nước